Kiện đòi tài sản là một trong những phương thức kiện dân sự phổ biến nhất hiện nay. Đối tượng của kiện đòi tài sản thường là quyền sử dụng đất và nhà. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói chung và thành phố Cam Ranh nói riêng có diễn ra nhiều vụ tranh chấp đòi tài sản nhưng người dân chưa năm được có quy định của pháp luật liên quan đến kiện đòi tài sản. Do đó, luật sư Công ty luật TNHH Đạt Lý – Chi nhánh Khánh Hòa mong muốn thông qua bài viết này giúp người dân hiểu thêm quy định pháp lý về kiện đòi tài sản.
Kiện đòi tài sản là gì?
Đòi tài sản là một trong những cách bảo vệ quyền của người sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản hợp pháp. Kiện đòi tài sản là việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi chiếm hữu tài sản trái phép phải trả lại chính tài sản đó cho mình.
Kiện đòi tài sản mang bản chất của một vụ kiện dân sự. Việc kiện đòi tài sản là buộc người đang chiếm hữu trái phép tài sản thuộc quyền sở hữu của mình trả lại tài sản đó mà không thể thay thế bằng tài sản khác.
Điều kiện để thực hiện thủ tục kiện đòi tài sản
- Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, người có quyền khác bị mất quyền chiếm hữu, sử dụng đối với tài sản của mình.
- Người đang chiếm hữu tài sản phải là người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Cần phải xác định người chiếm hữu tài sản trái pháp luật trước khi khởi kiện.
- Người khởi kiện phải chứng minh được quyền sở hữu, sử dụng của mình đối với tài sản đang bị chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
- Đối tượng của tài sản đang kiện đòi thường phải là vật đặt định và đang còn tồn tại trên thực tế.
Chủ thể tham gia kiện đòi tài sản
Chủ thể tham gia quan hệ kiện đòi tài sản là chủ thể có quyền khởi kiện (người có quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp tài sản, người khởi kiện) và chủ thể bị kiện (người sở hữu, chiếm hữu tài sản trái pháp luật).
Theo quy định tại Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người có quyền kiện đòi tài sản phải là chủ sở hữu, chủ thể chiếm hữu hợp pháp, chủ thể có quyền khác đối với tài sản và phải chứng minh quyền của mình đối với tài sản đó.
– Chủ sở hữu tài sản: phải được xác lập trên các căn cứ do pháp luật quy định đượcxoi là chủ sở hữu tài sản. Dù vậy, trên thực tế không phải loại tài sản nào cũng xác lập được quyền sở hữu, ví dụ như đất đai.
– Chủ thể có quyền khác đối với tài sản: Căn cứ theo Điều 159 Bộ luật dân sự 2015 thì quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ tài sản, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề; Quyền hưởng dụng; Quyền bề mặt.
Những trường hợp kiện đòi tài sản
Theo quy định của pháp luật, cụ thể tại khoản 2 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 thì tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Trong đó, động sản có thể chia thành hai loại là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và động sản không phải đăng ký quyền sở hữu.
- Kiện đòi tài sản là động sản không đăng ký quyền sở hữu
Đối với tài sản mà không phải đăng ký quyền sở hữu rất khó để xác định ai là chủ sở hữu đối với tài sản đó nếu không có dấu hiệu nhận biết riêng của chủ sở hữu. Các tài sản là động sản không phỉ đăng ký quyền sở hữu rất dễ bị bên thứ ba chiếm hữu ngay tình. Do bên thứ ba không thể biết được tài sản thuộc chủ sở hữu hợp pháp nào nên trong giao dịch dân sự bên thứ ba có thể nhận được tài sản từ người không phải chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản.
Vì vây, pháp luật quy định chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu ngay tình trong các trường hợp sau:
- Tài sản rời khỏi chủ sở hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu như bị trộm cắp, lừa đảo, bị đánh rơi, bỏ quên. Khi tài sản rời khỏi chủ sở hữu trái với ý chí của người đó, người thứ ba chiếm hữu ngay tình và có được tài sản thông qua hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu vẫn có quyền đòi lại tài sản bị mất.
- Tài sản rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí của chủ sở hữu, người đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và người thứ ba ngay tình có tài sản thông qua giao dịch không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản thì chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu.
(Có thể hiểu là tài sản rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí và thông qua một hợp đồng cho thuê, mượn, cầm cố,.. sau đó người chiếm hữu hợp pháp định đoạt tài sản đó cho người thứ ba ngay tình thông qua hợp đồng không có đền bù, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản.)
- Kiện đòi tài sản là bất động sản và động sản phải đăng ký quyền sở hữu
Xác định chủ sở hữu của tài sản là bất động sản và động sản phải đăng ký quyền sở hữu dễ dàng hơn so với tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Khi tham gia các giao dịch dân sự, để đảm bảo giao dịch đúng với chủ sở hữu hay không thì người nhận chuyển dịch chỉ cần kiểm tra người chuyển dịch tài sản có phải là chủ sở hữu hay người được ủy quyền hợp pháp không. Ngoài ra sau khi hoàn tất giao dịch dân sự, người nhận chuyển dịch phải tiến hành các thủ tục sang tên theo quy định tại các cơ quan có thẩm quyền thì quyền sở hữu (hoặc quyền sử dụng) của người nhận chuyển dịch mới được nhà nước công nhận và bảo hộ.
Như vậy, Điều 168 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, đối với tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản thì theo nguyên tắc, người thứ ba ngay tình phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu khi bị kiện đòi, trừ trường hợp khác được pháp luật quy định.
Đây là một số quy định của pháp luật liên quan đến kiện đòi tài sản mà luật sư công ty luật Đạt Lý – Chi nhánh Khánh Hòa phổ biến cho Quý khách hàng tham khảo. Để được tư vấn chi tiết vấn đề tranh chấp, kiện đòi tài sản cụ thể vui lòng liên hệ đến hotline: 0935.884.515 hoặc đến tại địa chỉ: 51 Phan Bội Châu, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa để tư vấn trực tiếp cùng các luật sư.