Trong những năm trở lại đây, đất đai là một vấn đề nóng sốt trên toàn quốc. Trên địa bàn huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa là nơi diễn ra hoạt động mua bán đất sôi nổi nhất trên địa bàn tỉnh. Việc này kéo theo hệ lụy rất nhiều tranh chấp liên quan đến đất đai xảy ra. Khi phát sinh tranh chấp nhiều người dân không am hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai không biết nên làm thế nào để tìm lại công lý cho mình. Vì vậy, cần có luật sư hiểu biết về các quy định của pháp luật để tư vấn và giải quyết vấn đề cho Khách hàng. Luật sư Công ty Luật Đạt Lý giải đáp các thắc mắc của quý khách hàng qua bài viết này.

Tranh chấp đất đai là gì? Các dạng tranh chấp đất đai thường gặp tại Cam Lâm?

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hay nhiều bên trong quan hệ đất đai. Trên thực tế tranh chấp đất đai là một quan hệ rất rộng

Tranh chấp đất đai thường đa dạng và phức tạp gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, lợi ích của các bên tranh chấp. Các dạng tranh chấp đất đai thường gặp như tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ liên quan phát sinh trong quá trình sử dụng đất và tranh chấp đất đai khác liên quan đến đất. Cụ thể như sau:

  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất có các phát sinh thường gặp như:

+ Tranh chấp lấn chiếm, chồng chéo ranh giới đất, loại tranh chấp này thường là do một bên tự ý thay đổi ranh giới thửa đất hoặc hai bên không xác định được với nhau về ranh giới đất, một số trường hợp khác có ý định chiếm luôn diện tích đất của người khác;

+ Cấp sai đối tượng sử dụng đất (nhiều khi tranh chấp này xảy ra do lỗi của các cơ quan nhà nước: khi cấp đất, cơ quan cấp đất có ghi diện tích, nhưng không đo đạc cụ thể, khi giao đất chỉ dựa vào giấy cấp đất và đơn kê khai diện tích của người dân. Sau này khi người quản lý sử dụng đo lại thấy diện tích đất ít hơn so với đất được cấp trong Giấy chứng nhận hoặc khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phần diện tích chồng lên nhau dẫn đến tranh chấp);

+ Đòi tài sản là trước đây tài sản đó (ở đây là đất đai) thuộc quyền sử dụng của họ hoặc người thân vì một lý do nào đó mà họ không còn quản lý, sử dụng và bây giờ muốn đòi lại người đang quản lý, sử dụng (cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ…).

  • Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ liên quan phát sinh trong quá trình sử dụng đất là tranh chấp về các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng đặt cọc liên quan đến đất; Tranh chấp phát sinh do người khác gây thiệt hại hoặc hạn chế quyền, nghĩa vụ trong quá trình sử dụng đất; Tranh chấp về cho thuê quyền sử dụng đất hoặc các tranh chấp liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất… Ngoài ra, tranh chấp về mục đích sử dụng đất cũng là tranh chấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất.
  • Tranh chấp khác liên quan đến đất như là tranh chấp về thừa kế là quyền sử dụng đất (tuyên di chúc về quyền sử dụng đất vô hiệu, công nhận di chúc cho đất có hiệu lực pháp luật, tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc hoặc theo pháp luật…); tranh chấp quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn hoặc sau khi ly hôn (hoặc cha mẹ tặng cho đất cho vợ chồng con ở khi ly hôn cha mẹ đòi lại quyền sử dụng đất).

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Cam Lâm

Theo quy định của Luật đất đai 2013 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được chia thành 2 nhóm:

  • Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất:

Nếu tranh chấp đất đai mà các bên có một trong những giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp,Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước năm 1993; Giấy về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hợp lệ; Giấy giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất; Văn bản chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước năm 1993;… và các tranh chấp về tài sản gắn liền với đất (có giấy chứng nhận hoặc không có giấy chứng nhận) đều được giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền cụ thể tại đây là Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm. Thủ tục giải quyết theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

  • Tranh chấp mà đương sự không có các loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 thì có 2 hình thức giải quyết tranh chấp:
  • Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền:

+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện (UBND huyện Cam Lâm) có thẩm quyền giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND huyện Cam Lâm thì người khiếu nại, người bị xâm phạm lợi ích có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

+ Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (UBND tỉnh Khánh Hòa) có thẩm quyền giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính

  • Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền (TAND huyện Cam Lâm) theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Khi phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất người dân được nhà nước khuyến khích tự hòa giải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự thỏa thuận. Nếu không tự hòa giải được thì cần phải hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất đang xảy ra tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật đất đai 2013. UBND xã sẽ tổ chức buổi hòa giải trong vòng không quá 45 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu hòa giải. Việc hòa giải bắt buộc phải lập thành biên bản, xác nhận hòa giải thành hoặc không thành và có chữ ký của đầy đủ thành phần tham gia hòa giải. Nếu hòa giải không thành, các bên tranh chấp có thể chọn giải quyết tại tòa án hoặc ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

  • Giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự:

Nộp đơn khởi kiện và các giấy tờ liên quan đến thửa đất kèm theo biên bản hòa giải đến tại Tòa án; Hoàn chỉnh hồ sơ khởi kiện và thực hiện đầy đủ chi phí theo quy định; Tòa án sẽ thụ lý giải quyết theo trình tự và hòa giải; Sau khi hòa giải không thành, Tòa án tiến hành xét xử.

* Hồ sơ khởi kiện gồm có:

+ Đơn khởi kiện theo mẫu;

+ Giấy tờ tùy thân (căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân);

+ Biên bản hòa giải không thành tại UBND cấp xã;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013;

+ Các tài liệu khác liên quan đến việc sử dụng, quản lý thửa đất đang tranh chấp: hồ sơ địa chính, trích lục bản đồ, hợp đồng chuyển dịch…

* Thời hiệu:

Trong quy định của Luật đất đai 2013 và Bộ luật dân sự 2015 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tranh chấp liên quan đến đất đai vẫn áp dụng thời hiệu như sau:

  • Đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng đặt cọc quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất,… Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 về thời hiệu khởi kiện về tranh chấp hợp đồng là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu khởi kiện biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
  • Đối với tranh chấp về thừa kế có liên quan đến quyền sử dụng đất thì người thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế trong thời hạn là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Trong vòng 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác hoặc xác nhận quyền thừa kế của mình. Thời hiệu để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm.

Giải quyết theo trình tự hành chính:

Chỉ những trường hợp chưa có giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 có thể lựa chọn giải quyết tại UBND có thẩm quyền.

Chủ tịch UBND có thẩm quyền ra quyết định giải quyết tranh chấp, các bên có nghĩa vụ thi hành theo quyết định hoặc có thể khiếu nại quyết định lên cấp trên hoặc yêu cầu tiếp tục giải quyết tại Tòa án. Trường hợp các bên không khiếu nại, khởi kiện và không thi hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định.

Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai tại Cam Lâm

Luật Đạt Lý cung cấp các dịch vụ tư vấn, giải quyết tranh chấp đất đai và các vấn đề liên quan. Quý khách hàng có thể tham khảo các dịch vụ của công ty như sau:

  • Tư vấn tranh chấp quyền sử dụng đất đai;
  • Tư vấn tranh chấp quyền sử dụng lối đi chung;
  • Tư vấn tranh chấp đòi tài sản là đất;
  • Tư vấn tranh chấp ranh giới giữa các thửa đất;
  • Tư vấn tranh chấp di sản thừa kế là đất đai;
  • Tư vấn tranh chấp hợp đồng chuyển dịch, chuyển nhượng, tặng cho, thuê, thế chấp… quyền sử dụng đất;
  • Tư vấn bồi thường, tái định cư, thu hồi đất và tài sản trên đất;
  • Tư vấn chia tài sản chung hộ gia đình là quyền sử dụng đất;
  • Tư vấn, soạn hợp đồng chuyển dịch, văn bản thỏa thuận liên quan đến các giao dịch về đất đai, góp vốn bằng quyền sử dụng đất …
  • Tham gia tố tụng trong tranh chấp đất đai tại Tòa án, hòa giải tại UBND cấp xã;
  • Tư vấn, soạn đơn khiếu nại các quyết định hành chính liên quan đến đất.

Mọi thắc mắc xin liên hệ hotline: 0935884515 hoặc đến văn phòng tại địa chỉ 51 Phan Bội Châu, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa để được luật sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai tư vấn hỗ trợ giải đáp vướng mắc của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *